Cái nhìn pháp lý vụ việc Bảo vệ đánh sinh viên tại ký túc xá

Cái nhìn pháp lý vụ việc đánh sinh viên tại ký túc

Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về clip tỏ tình của chàng sinh viên với bạn gái tại sân ký túc xá Đại học Lao động và Xã hội. Nhưng sau màn tỏ tình lãng mạn này, sinh viên nam này được cho là đã bị Bảo vệ đánh đến ngất. Với những thông tin ban đầu từ báo chí thì vụ việc đã xuất hiện những dấu hiệu sai phạm về mặt pháp lý.

Vào đầu tháng 5, trên diễn đàn của trường đại học Lao động – Xã Hội nổi lên một clip quay cảnh chàng sinh viên lãng mạn tỏ tình với một bạn nữ tên V trọ ở phòng 411 ký túc xá trường. Trong clip này, cặp đôi này nhận được nhiều sự cổ vũ của những người chứng kiến. Hành động tỏ tình đã khiến khu kí túc xảy ra tình trạng mất trật tự nên bảo vệ nhà trường có nhắc nhở, trong lúc va chạm người bảo vệ đã xông tới đạp một cú cực mạnh khiến bạn nam sinh viên ngã ngất ra sân và phải đưa đi cấp cứu.

Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Huy – Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Trường Đại học Lao động & Xã hội), ông Huy xác nhận có sự việc xảy ra trong khuôn viên ký túc xá của trường. Nhưng vị này cũng khẳng định: “không hề có việc bảo vệ nhà trường đạp ngã sinh viên ngất xỉu. Tôi có nghe bảo vệ nói lại là thời điểm đó có nhắc nhở, kéo nam sinh viên này ra ngoài và đã bị ngã. Một lúc sau thì nam sinh viên này tự đứng lên ra về”.

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được gặp hai bạn sinh viên này thì ông Huy liên tục đưa ra lý do để từ chối. Ông cũng cho rằng, V (bạn nữ được tỏ tình) đang là sinh viên thuộc quản lý của nhà trường nên việc cô này có được phép tiếp xúc với báo chí hay không là do sự đồng ý từ phía nhà trường.

Cái nhìn pháp lý vụ việc đánh sinh viên tại ký túc

                 Cái nhìn pháp lý vụ việc đánh sinh viên tại ký túc

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư đưa ra một số quan điểm xung quanh vụ việc này:

1. Hành vi của sinh viên nam có gây rối trật tự công cộng?

Theo như thông tin từ báo chí thì sự việc xảy ra vào khoảng 22h tại Ký túc xá Đại học Lao động và Xã hội. Việc bạn sinh viên nam tỏ tình với bạn gái là một hành động thể hiện tình cảm, tuy nhiên màn tỏ tình lại thực hiện vào lúc đêm khuya, gây huyên náo, mất trật tự trường học. Sự việc này phải đối chiếu với nội quy của nhà trường cũng như quy định của pháp luật để xem xét xử lý.

Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh – trật tự quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi:

Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

– Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.

Như vậy, nếu như nội quy nhà trường có quy định về việc giữ yên tĩnh chung, nhưng sinh viên nam này vẫn vi phạm thì ngoài việc bị xử lý theo nội quy của trường, bạn này còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6, nêu trên.

2. Không được phép đánh sinh viên

Quyền và trách nhiệm của bảo vệ là giữ gìn trật tự an ninh cho trường, nếu phát hiện hành vi vi phạm như: trộm cắp, đột nhập, gây mất trật tự công cộng… thì chỉ có quyền báo cáo cơ quan cấp trên hoặc công an để giải quyết và xử lý. Thế nhưng thay vì thực hiện theo đúng trách nhiệm của mình thì người bảo vệ đã có hành vi hành hung sinh viên. Dù bất kể trường hợp nào, đánh người là vi phạm pháp luật. Hành vi này nếu ở mức độ nhẹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ – CP; nếu ở mức độ nặng, gây thương tích trầm trọng cho sinh viên này thì người bảo vệ có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 104, Bộ Luật hình sự.

Sự việc xảy ra, bản thân sinh viên này hoặc người thân, bạn bè của sinh viên nam cần thiết phải báo với nhà trường để ban quản lý nhà trường xem xét, xử lý theo nội quy, quy chế. Nếu có dấu hiệu của tội phạm, thì cần thiết phải báo ngay cho cơ quan Công an để giải quyết. Trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe thì hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự.

3. Quyền tự do báo chí được pháp luật ghi nhận

Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Luật Báo chí 1989 đã cụ thể quyền này của công dân. Theo đó, công dân có quyền:

  • Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ;
  • Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó.

Việc ông Phạm Quốc Huy phát ngôn rằng sinh viên thuộc quản lý của nhà trường, không có quyền tiếp xúc với báo chí khi chưa được sự cho phép của nhà trường là hoàn toàn sai. Mỗi công dân đều có quyền tự do tiếp xúc hay không tiếp xúc báo chí. Nhà trường chỉ quản lý việc học tập của sinh viên chứ không được can thiệp vào việc tự do ngôn luận của công dân, gây cản trở báo chí lấy thông tin. Quan điểm của ông Huy là một quan điểm vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Cho đến thời điểm này có hay không việc bảo vệ hành hung sinh viên nam tại ký túc xá trường Đại học Lao động xã hội vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, trước sự sai phạm của bảo vệ, và phát ngôn của ông Huy, phía ban quản lý trường phải có những biện pháp cần thiết để xử lý, khắc phục tình trạng bạo lực diễn ra trong nhà trường, tuyên truyền hướng dẫn sinh viên tuân thủ các quy định về an toàn, trật tự của nhà trường, xử lý ngay những hành vi bao che sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của sinh viên.

Bình luận - Thắc mắc - Góp ý

Phản hồi


Bài viết liên quan cùng chủ đề:



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *