Công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN với người hành nghề y

Công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN với người hành nghề y

Câu hỏi: Tôi là bác sĩ người Thái Lan, đã có chứng chỉ và được cấp phép hành nghề tại nước tôi. Vậy, tôi muốn sang các nước ASEAN (như Lào, Việt Nam) để làm bác sĩ với bằng cấp của tôi đã có ở Thái Lan có được không?

Với thắc mắc này, chúng tôi có tư vấn như sau:

Xuất phát từ yếu tố chủ quyền quốc gia, mà việc quản lý của mỗi nhà nước thông qua các quy định chỉ có giá trị trong phạm vi nhà nước đó. Do vậy, bằng cấp mà bạn được cấp về nguyên tắc chỉ có giá trị khi bạn làm việc tại Thái Lan.

Việc thừa nhận hay không phụ thuộc vào ý chí của quốc gia tiếp nhận thể hiện qua các cam kết quốc tế (bao gồm cả song phương và đa phương) giữa các quốc gia.

Hiện nay, trên cơ sở Hiệp định khung ASEAN về thỏa thuận công nhận lẫn nhau 1998, ASEAN chủ trương hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng, năng lực giữa các nước tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ để thúc đẩy phát triển kỹ năng, di chuyển lao động và sinh viên.

Những thỏa thuận này giúp những người hành nghề có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp để được chứng nhận và làm việc tại nước ngoài.

Đến nay, đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực nghề: dịch vụ kỹ thuật; dịch vụ điều dưỡng; dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát; hành nghề y, hành nghề nha khoa và dịch vụ kế toán; hành nghề du lịch.

Công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN với người hành nghề y

          Hành nghề y trong khu vực ASEAN cần những thủ tục gì?

Trong đó, thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với lĩnh vực Hành nghề Y được ký ngày 26/2/2009 tại Cha-am, Thái Lan.

Thỏa thuận này không hướng tới thiết lập một cơ chế đăng ký hành nghề chung ASEAN mà chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác về công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực ngành nghề này, thúc đẩy áp dụng các thực tiễn tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ, cung cấp cơ hội xây dựng năng lực và đào tạo…

Vì vậy, các cá nhân của một nước ASEAN hoạt động trong lĩnh vực y khi muốn hành nghề tại một nước ASEAN khác thì vẫn phải thực hiện theo các quy định pháp luật và quy trình thủ tục liên quan của nước ASEAN khác đó.

Trong đó, quy định chung về điều kiện công nhận người hành nghề nước ngoài tại Điều 3.1 thỏa thuận trên như sau:

  • Sở hữu văn bằng trình độ chuyên nghiệp;
  • Đăng ký hoạt động chuyên nghiệp một cách hợp pháp và có chứng chỉ/giấy phép hoạt động nghề hiện hành;
  • Hành nghề liên tục 03 năm với điều dưỡng viên, 05 năm với y và nha khoa;
  • Tuân thủ quy định phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) ở mức độ thỏa đáng;
  • Được chứng nhận bởi cơ quan quản lý là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và nghề nghiệp;
  • Khai báo không bị điều tra hoặc xử lý về pháp luật.

Theo đó, người hành nghề nước ngoài khi thỏa mãn các điều kiện trên thì có thể được công nhận đủ trình độ thực hành nghề tại nước sử dụng lao động.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế là chủ thể có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài đến hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.

Theo quy định Khoản 2 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
  • Bản sao văn bằng chuyên môn;
  • Văn bản xác nhận quá trình thực hành;
  • Văn bản xác nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc hồ sơ của người phiên dịch theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này;
  • Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp;
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp chứng chỉ hành nghề; trường hợp cần xác minh đối với người được đào tạo ở nước ngoài hoặc có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 180 ngày; nếu không cấp chứng chỉ hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Nếu vẫn còn thắc mắc về vấn đề trên hay còn câu hỏi liên quan, có thể liên hệ trực tiếp với luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Bình luận - Thắc mắc - Góp ý

Phản hồi


Bài viết liên quan cùng chủ đề:



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *