Các vấn đề pháp lý cần phải biết trong mùa dịch Covid-19

Các vấn đề pháp lý cần phải biết trong mùa dịch Covid-19

Hiện nay, để được đi lại trên địa bàn Hà Nội, người dân phải có giấy thông hành hợp lệ. Vậy xin Luật sư giải thích một số nội dung sau:

1. Theo Chỉ thị 17/CT-UBND áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg; danh sách của Bộ Công thương và các văn bản Luật quy định, doanh nghiệp hoạt động những nghành nghề như thế nào được xác định là thiết yếu, được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội?

2. Đối với những công ty không thuộc nhóm thiết yếu nhưng vẫn cấp giấy thông hành cho nhân viên, việc xử phạt sẽ được căn cứ vào điều khoản nào?

3. Việc nhiều người phải ra đường do điều động của công ty (không thuộc nhóm thiết yếu), vậy chế tài xử phạt cần đặt vào đối tượng nào? Người vi phạm quy định phòng, chống dịch hay công ty?

4. Ý kiến của Luật sư về giải pháp hạn chế số lượng người, phương tiện ra đường không cần thiết trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19?

Các vấn đề pháp lý cần phải biết trong mùa dịch Covid-19 là gì?

   Các vấn đề pháp lý cần phải biết trong mùa dịch Covid-19 là gì?

Ý KIẾN TƯ VẤN:

Hiện nay, để được đi lại trên địa bàn Hà Nội, người dân phải có giấy thông hành hợp lệ. Vậy xin Luật sư giải thích một số nội dung sau:

Câu 1: Theo Chỉ thị 17/CT-UBND áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg; danh sách của Bộ Công thương và các văn bản Luật quy định, doanh nghiệp hoạt động những nghành nghề như thế nào được xác định là thiết yếu, được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội?

Theo chỉ thị 17/CT- UBND thành phố Hà Nội ngày 23/7/2021 thì có 6 lĩnh vực kinh doanh được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội và được xác định là thiết yếu. Cụ thể:

1. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn;

2. Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch;

3. Cở sở dịch vụ khám chữa bệnh;

4. Ngân hàng, kho bạc;

5. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Bên cạnh đó, ngày 27 tháng 7 năm 2021 Bộ Công thương ra Công văn số 4481/BCT-TTTN công bố danh mục hàng hoá thiết yếu – là một trong các nội dung còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá thiết yếu. Theo đó, nêu rõ các nhóm mặt hàng thiết yếu như sau:

  • Nhóm thực phẩm:Bao gồm các mặt hàng theo danh mục tại Phụ lục II, phụ lục III, và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số15/2018/NĐ-CPngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm (như nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng; ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; thịt và các sản phẩm từ thịt, các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả
  • Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…)
  • Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…).
  • Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Câu 2: Đối với những công ty không thuộc nhóm thiết yếu nhưng vẫn cấp giấy thông hành cho nhân viên, việc xử phạt sẽ được căn cứ vào điều khoản nào?

“Giấy thông hành” không phải là thuật ngữ pháp lý mà đây là cách gọi thông thường cho các loại giấy tờ có thể giúp người dân đi qua được chốt kiểm dịch. Hiện tại có thể kể đến như: Giấy xét nghiệm âm tính với Covid 19 hay Giấy xác nhận cấp cho NĐL đi làm việc tại các đơn vị được phép mở cửa hoạt động khi giãn cách.

Theo quy định hiện nay thì giấy tờ có giá trị pháp lý để lưu thông trong địa bàn thành phố Hà Nội là Giấy đi đường được banh hành theo mẫu quy định tại Công văn số 2434/UBND – KT ngày 29/7/2021.

Đối với những công ty không được phép mở cửa hoạt động do không kinh doanh những hàng hoá dịch vụ thiết yếu mà vẫn cấp giấy thông hành cho nhân viên thì có thể bị xử phạt hành chính đến 40.000.000 đồng theo quy định tại Điều 4, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

Khoản 3, Điều 12: “3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.”

Khoản 5, Điều 4Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: “…Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.

Ngoài ra, nếu việc người lao động ra ngoài không may làm lây truyền Covid-19 cho người khác thì các cá nhân liên quan sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

  • Mức xử phạt vi phạm hành chính: Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Người có hành vi làm lây lan dịch bệnh này chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền lên đến 20.000.000 đồng;
  • Trách nhiệm hình sự:Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Câu 3. Việc nhiều người phải ra đường do điều động của công ty (không thuộc nhóm thiết yếu), vậy chế tài xử phạt cần đặt vào đối tượng nào? Người vi phạm quy định phòng, chống dịch hay công ty?

Theo tôi thì chế tài xử phạt trong trường hợp này phải áp dụng đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ:

– Việc điều động nhân viên là đường để thực hiện công việc là một trong những hành vi tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh.

– Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động  về mặt pháp lý được quy định cụ thể Bộ Luật lao động, theo đó tại  khoản 2 Điều 5 Bộ Luật lao động 2019 đã quy định về nghĩa vụ của người lao động như sau:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;

b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;

c) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Do đó, việc người lao động ra đường do điều động của công ty là trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng lao động.

Ngày 24 tháng 7 năm 2021, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã ra Cônng văn số 1996/STP – PBGDPL v/v tuyên truyền một số quy định người dân cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch COVID -19. Vì vậy, bản thân người lao động cũng phải là người nắm được các quy định về phòng chống dịch để có những phản hồi lại cho doanh nghiệp trong trường hợp được giao nhiệm vụ ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Câu 4: Ý kiến của Luật sư về giải pháp hạn chế số lượng người, phương tiện ra đường không cần thiết trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Cá nhân tôi đánh giá,  các giải pháp của UBND Thành Hà Nội đang áp để hạn chế số lượng người, phương tiện ra đường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đã khá hiệu quả, đặc biệt là giải pháp lập nhiều chốt trên địa bàn các phường, quận, kiểm soát và xử phạt hành chính những người ra đường không có lý do.

Tuy nhiên, trước sự diễn biến căng thẳng của dịch bệnh,với tình hình hiện tại như hiện nay tại Hà Nội thì cần có biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để có thể dập dịch được triệt để, tránh để dịch bùng phát mạnh như TP. HCM đang phải đối mặt.

  • Thứ nhất, nên dừng đến mức tối đa các hoạt động không cần thiết để hạn chế việc tiếp xúc, di chuyển.  Tôi ví dụ như hiện nay dịch vụ chuyển phát vẫn được hoạt động, kéo theo đó nhiều giao dịch hàng hoá không thiết như quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi… vẫn thực hiện bán hàng online và vận chuyển hàng qua đường chuyển phát, người dân vẫn đi lại để nhận hàng đặt online thì việc hạn chế tiếp xúc vẫn chưa được thực hiện triệt để.
  • Thứ hai, các Sở ban ngành cần bám sát hoạt động phòng chống dịch để kịp thời có văn bản chỉ đạo cho những bất cập còn tồn tại trong thời gian này.

Ngoài ra, tốc độ lây lan của Covid-19 là rất nhanh, tính theo giờ, theo lần tiếp xúc chứ không phải tính theo ngày . Vì vậy, “Giấy thông hành” XN Covid-19 âm tính tốn kém nhưng không thiết thực nhiều trong phòng chống dịch, kính đề nghị các cơ quan ban ngành có thẩm quyền xem lại quy định này ở một số địa phương.

Nếu còn điều gì chưa rõ, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo hotline để được luật sư tư vấn miễn phí.

Bình luận - Thắc mắc - Góp ý

Phản hồi


Bài viết liên quan cùng chủ đề:



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *